3 Công h Danh sách bài viết (theo chuyên mục)
 

Quy hoạch mạng lưới, tái cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp


Hiện nay, nước ta có gần 400 trường cao đẳng, trên 500 trường trung cấp, hàng nghìn trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống là vấn đề được quan tâm tại cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ với lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN, sáng 18.3.

Ngày 27.11.2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2015. Đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, khi Luật GDNN được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật. Tính đến ngày 1.3.2019, đã có 63 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN được ban hành (6 nghị định, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 46 thông tư và 4 thông tư liên tịch).


Toàn cảnh buổi làm việc

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức hoạt động đào tạo (tuyển sinh đào tạo; tiêu chuẩn, chế độ đối với nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm định chất lượng...); để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước (hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về GDNN...). Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này; hướng tới việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở GDNN; nâng cao trách nhiệm của cơ sở và người đứng đầu cơ sở; tạo cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; tạo điều kiện để thu hút nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực GDNN.


Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại buổi họp

 

Tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách, cơ chế sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo GDNN. Công tác dự báo, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn chưa làm tốt. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề gặp nhiều khó khăn: đến nay chỉ có khoảng 8% - 10% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học GDNN, tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu đã đề ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW là "đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề" cũng như các mục tiêu phân luồng đến năm 2020 trong Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018 đề ra. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng chồ̀ng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo. Việc sáp nhập cơ sở GDNN ở một số địa phương mang tính hành chính, cơ học, chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể. Đồng thời chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp…


Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội cho rằng, cần có chính sách, có quỹ để xử lý vấn đề sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, càng để chậm, càng lãng phí, trong đó lãng phí lớn nhất là về con người.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, sắp xếp và tổ chức quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ và tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN để đảm bảo chất lượng; chủ động chỉ đạo việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành có liên quan cũng tham gia báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về GDNN. Trong đó, việc quy hoạch cơ sở GDNN được đại diện các bộ, ngành và chuyên gia tập trung bàn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, mạng lưới GDNN cần được làm sớm, nhưng có lộ trình cụ thể, để tránh lãng phí; cần có cơ chế để sắp xếp, không phải theo cơ học, sáp nhập các trường cùng địa bàn với nhau, mà gắn với thị trường, nhu cầu tổng thể của nền kinh tế...


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, trong giai đoạn chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hóa đất nước, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành với thị trường lao động dịch chuyển tự do, và sự thay đổi của công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, có thể thấy, dù đã có Luật GDNN, nhưng cũng rất cần có dự báo về thị trường lao động đang biến đổi ra sao để có hướng đào tạo phù hợp, đồng thời dần tính đến chuẩn nghề nghiệp. Việc xây dựng mạng lưới cũng không đơn giản là chuyện của từng bộ, ngành mà Chính phủ phải có Ủy ban để sắp xếp mạng lưới GDNN trên cả nước. Trách nhiệm quản lý nhà nước về GDNN của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần được làm rõ, từ đó phân quyền, phối hợp giữa Bộ với các địa phương, bộ, ngành ra sao, các trường tự chủ như thế nào. Việc tăng cường giám sát chất lượng cũng cần được đặt ra để bảo đảm chất lượng GDNN...Từ nay đến tháng 9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ sẽ tiếp tục làm việc với cơ sở GDNN, các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực GDNN.

Tin: Ng. Phương, Ảnh: Th. Bình

Nguồn: http://m.daibieunhandan.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: