Ngày Quốc khánh 2/9 và chế độ đối với người lao động


Lịch sử ghi nhận

 

Từ năm 1992 về trước, tuy chưa được quy định trong Hiến Pháp nhưng Ngày Quốc khánh 2/9 – Ngày Tuyên ngôn độc lập vốn đã được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và kỷ niệm ngay từ năm 1954. Sau đó, ngày 2/9 chính thức được quy định trong Hiến pháp 1992 là Ngày Quốc khánh của Việt Nam. Điều 145, Hiến pháp năm 1992 quy định: "Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là Ngày Quốc khánh". Tiếp đó, tại khoản 4, Điều 13 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: "Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945". 

 

Ngày Quốc khánh người lao động đượng hưởng chế độ gì?

 

Theo quy định khoản 1, Điều 112, Bộ luật Lao động 2019 về "Nghỉ lễ, tết" thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch: 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

 

Như vậy Ngày Quốc khánh người lao động được nghỉ 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau và hưởng nguyên lương.

 

► Xem toàn văn Điều 13, Hiến pháp Việt Nam 2013:

"Điều 13.

1. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

2. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca.

4. Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.

5. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội."