Tin mới nhất
 

Cách nhìn khác từ giáo dục nghề nghiệp


Trong khi học sinh cả nước đang bước vào kỳ thi THPT với mục tiêu xét tuyển vào đại học, có nhiều học sinh và phụ huynh khác lại chọn học nghề là hướng đi mới để lập thân, lập nghiệp.
 Bình luận 0
 

Rút ngắn thời gian lập thân, lập nghiệp

Chàng trai Cư Chúng (ở xã Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai) là một học sinh năm thứ 3 của khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ. Chúng vừa đoạt giải 3 trong cuộc thi tay nghề cấp quốc gia ở ngành công nghệ thông tin. 

 Mặc dù nuôi giấc mơ vào đại học, nhưng xét thấy năng lực của bản thân có hạn, kinh tế gia đình cũng khó khăn nên Chúng đã đăng ký học nghề.

Cách nhìn khác từ giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Nghề cắt gọt kim loại là một trong những ngành trọng điểm đào tạo trong thời gian tới. Ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (Thái Nguyên). Ảnh: P.V

"Năm 2021, có nhu cầu tuyển mới khoảng 815.000 người ở nghề trọng điểm và năm 2022 là khoảng 817.000 người. Trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp".

Điều tra, khảo sát nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp gắn với việc làm đáp ứng thị trường lao động năm 2019 - Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

"Chỉ cần học hơn 2 năm là em có thể tốt nghiệp, đi làm có thu nhập lo cho bản thân, phụ giúp gia đình", Chúng nói. Hiện nay, ngoài giờ học chính khóa Chúng còn tham gia làm thêm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống và học tập. Chúng nói, kể từ khi đoạt giải 3 trong kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, em càng thấy vững tin về con đường mình đã lựa chọn.

Không riêng gì Chúng, nhiều bậc phụ huynh và học sinh nông thôn cũng đã có những hiểu biết thấu đáo, tích cực hơn về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Chị Nguyễn Thị Lan (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) - phụ huynh có con trai đang học lớp 8 cho biết: "Thấy cháu thích làm nghề nên tôi định hướng cho cháu học nghề để sau này có thể tham gia thị trường lao động, lập nghiệp sớm nhất". 

Hiện nay, chị Lan đang tìm hiểu về mô hình 9+ và 9+ chuyên ngữ. Chị Lan cho biết, sau khi học hết lớp 9 có thể chị sẽ cho con chị tham gia học ngành công nghệ sửa chữa ôtô theo mô hình 9+ hoặc 9+ chuyên ngữ.

Học nghề đang trở thành xu hướng

Ông Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp cho rằng Việt Nam hiện có một đội ngũ nhân lực khá dồi dào so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với gần 54 triệu lao động. Trong đó, lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 75,39% dân số. Chúng ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, sức trẻ là đặc điểm nổi trội, là tiềm năng nguồn nhân lực Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,74%, trong đó trình độ đại học chiếm gần 11%, cao đẳng chiếm 3,87%, trung cấp chiếm 4,37%, sơ cấp nghề chiếm 4,54%.

"Việt Nam là nước có số dân trong độ tuổi lao động đứng thứ 3 trong ASEAN nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý. Tỷ lệ lao động có trình độ cao ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành chủ lực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ chiếm 9% tổng số lao động trong khi các nước phát triển lên đến 40-60%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chuyển đổi nền kinh tế, tăng năng suất lao động", ông Lân phân tích.

Nhận định về GDNN, ông Lân cho rằng thời gian qua GDNN của Việt Nam đã có sự chuyển mình vượt bậc. Mạng lưới GDNN không chỉ được sắp xếp lại ở tất cả các địa phương mà còn có thay đổi về chất lượng đào tạo.

"GDNN đã có sự chuẩn bị chu đáo về cả hạ tầng, cơ sở, chất lượng, nhận thức của xã hội cũng đã có những thay đổi tích cực. Bởi vậy, đây thực sự là thời điểm "thiên thời địa lợi" để chúng ta đẩy mạnh mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề nghiệp", ông Lân nói.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTBXH) cho biết, để thực hiện đẩy mạnh phát triển GDNN, thời gian qua, cả nước đã xây dựng được 45 trường nghề chất lượng cao. Các chương trình đào tạo hiện nay đã được phát triển dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và chuẩn đầu ra. Cấu trúc chương trình đào tạo được xây dựng theo mô đun, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp....

Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và Đức (12 nghề từ Úc, 22 nghề từ Đức). "Tất cả những điều này nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo của GDNN. GDNN đang và sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, góp phần bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho thị trường lao động", ông Dũng nói. 

 
 
 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: