Tin mới nhất
 

Chọn nghề như chọn bạn đời!


Câu chuyện chọn nghề chưa bao giờ là một câu hỏi dễ trả lời. Đánh từ khóa "chọn nghề", Google đưa ra cho bạn hàng chục trang, mỗi trang cả chục bài nói về vấn để này. Bạn có thể thấy rất nhiều từ khóa tiếp theo: Đam mê; Thế mạnh; Cơ hội; Kiếm ra tiền …

 

Chọn nghề như chọn bạn đời! - Ảnh 1ảnh minh họa

 

Chọn nghề là chuyện hệ trọng của cả đời người?

Bạn có thể thấy các hướng dẫn, từ những định hướng rất chung kiểu "chọn nghề theo tính cách"; 4 bước, 5 bước, 10 bước chọn nghề…

Bạn cũng thấy những tuyên bố rất ấn tượng: "Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai", "Chọn sai lầm một nghề nghĩa là có thể lãng phí cả nửa đời người", …

Ngoài ra, bạn cũng sẽ nhận được những cảnh báo: KHÔNG chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, không chọn nghề chỉ vì kiếm nhiều tiền; Không chọn nghề chỉ vì ngành HOT…

Dường như rất cặn kẽ, rõ ràng. Song thực tế bạn có thể càng thấy mơ hồ, bởi không phải ai cũng biết rõ đam mê thực sự của mình là gì? Thế mạnh của mình ở đâu? Có vẻ bạn có điểm mạnh nào đó, bạn ham thích điều gì đó, song điều đó có thật là vậy hay không, và có đủ để bạn theo đuổi một nghề nghiệp liên quan hay không? Dường như càng đọc, bạn càng thấy mơ hồ và khó khăn.

Tuy nhiên, ta sẽ thấy một điều chắc chắn đúng. Đó là, chọn nghề rất quan trọng. Bởi nghề nghiệp sẽ theo ta trong suốt cuộc đời. Vậy, chọn nghề phải chăng cũng cần thận trọng như chọn bạn đời của bạn?   

Chọn bạn đời có thể chọn đại đi được ko? Có thể nghe theo bố mẹ áp đặt được ko? Có thể nhờ bạn mình chọn hộ được ko? ….

Thực ra trong cuộc sống vẫn luôn có những lựa chọn như vậy? Trước đây, đa số các ông bà cụ kỵ của chúng ta đã nên vợ nên chồng theo cách "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".

Kết quả ra sao? 

Dường như cũng không quá tệ. Có nhiều người vẫn hạnh phúc. Có những người đau khổ cả đời. Có người mạnh mẽ hơn thì mạnh dạn phá bỏ, làm lại từ đầu, còn phải chịu ít nhiều búa rìu của dự luận. Và, thực tế là, kể cả những người được coi là thành công, thì đằng sau những thành công đó biết bao sự hy sinh, khái niệm "hạnh phúc lứa đôi" có lẽ dường như là xa xỉ. Các cụ chỉ chăm chú để cố gắng sống một cuộc đời lương thiện, nỗ lực không mệt mỏi để dành phúc cho con cháu.

Giờ đây, liệu có ai trong chúng ta sẵn lòng phó mặc việc chọn nửa kia của mình cho cha mẹ hoặc ai khác không? Bạn chọn con đường nào? Chắc hẳn là tự mình quyết định chứ?  

Vậy, bạn phải làm gì?

Chọn nghề như chọn bạn đời.

Bạn cần tìm bạn bè – để hiểu người, hiểu mình. Bạn cần hiểu mình muốn một nửa kia là như thế nào? HÌnh ảnh mơ ước của bạn là ai?

Rồi bạn sẽ phải "Hẹn hò – Dating", khi một ngày nào đó, bạn bỗng muốn nói với một người nọ – "hãy là nửa kia" của bạn. Công cuộc "Hẹn hò" gian nan mà thú vị, thử thách mà cuốn hút, để bạn hiểu cái nửa kia đó có làm bạn thực sự hạnh phúc không và ngược lại … Và đó cũng là quá trình mà bạn phải phấn đấu, phải hoàn thiện bản thân, cho phù hợp, cho xứng đáng với cái "nửa kia" mà bạn mong muốn theo đuổi, chinh phục…

Nhìn lại công cuộc chọn nghề của chúng ta hiện nay, dường như đa số chúng ta đã chọn nghề theo cách các cụ ngày xưa "chọn" bạn đời, kiểu "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", kiểu tiện thể, ngẫu nhiên, rồi nghề chọn người… Và rất may là vì đa số chúng ta là người lương thiện, có nghề có việc thì làm, làm mãi cũng có niềm vui, hay chí ít cũng làm được, như một phương tiện để mưu sinh trong cuộc sống… Nhưng thực tế, kể cả trong số những người được coi là thành công, vẫn có không ít người trong số đó sống một cuộc sống như lê qua cuộc đời này, vì cuộc sống là chấp nhận, vì vợ, vì chồng, vì con cái, vì cha vì mẹ, chỉ không vì chính mình…

Vậy, nếu bạn thực sự muốn chọn được một nghề nghiệp gắn bó với bạn cả đời, không phải là một nghề nghiệp chỉ để cho bạn làm phương tiện mưu sinh, mà là một nghề nghiệp có thể cho bạn một cuộc sống thú vị, đầy đủ về vật chất, tràn đầy ý nghĩa, và cho bạn niềm vui sống… thì bạn cần đối xử với việc đó như việc bạn đi tìm bạn đời. Bạn sẽ cần tìm được một nghề phù hợp với mình, để sao cho khi bạn sống với nghề đó, sẽ là một cuộc sống với tình yêu sống động, tràn đầy năng lượng, để bạn luôn sẵn sàng và thậm chí tìm kiếm những thử thách để vượt qua, để trưởng thành, để thành công và hạnh phúc.

Nghĩa là, bạn cũng sẽ cần những cuộc "hẹn hò" – hẹn hò với "chính bạn trong tương lai", trong một vị trí nghề nghiệp nào đó, trong một bối cảnh nào đó, để bạn thấy nghề nào sẽ có thể đem lại cho bạn hạnh phúc, nghề nào có thể làm cho bạn hay đau khổ, và cũng để bạn biết bạn sẽ cần thêm hành trang gì để gặp được/đạt được "phiên bản mong muốn của chính bạn, phiên bản tốt đẹp nhất của chính bạn – The Best of You in Future".

Có hay không những cuộc "Hẹn hò với Chính mình trong tương lai"?

Hẹn hò với Tương lai.

Đối với người Việt Nam chúng ta, câu hỏi về nghề ngiệp thường chỉ thực sự được đặt ra và đồng thời lại phải "chốt" ngay khi các bạn trẻ điền đơn thì đại học. Với đặc thù phổ biến của các trường đại học chuyên ngành, thì khi đặt bút chọn thi vào trường đại học nào đó, có nghĩa là các bạn đã "chết" với ngành nghề nào đó, nếu bạn ấy đỗ. Còn nếu không đỗ nguyện vọng 1, các bạn sẽ phải tìm cách làm sao để chen chân được một chỗ nào đó trong hệ thống các trường, dù nguyện vọng 1 có thể là kinh tế, còn nguyện vọng 2 lại là một ngành hoàn toàn không chút liên quan.

Câu chuyện chọn nghề, câu chuyện "Hẹn hò" với các phiên bản nghề nghiệp tương lai của bạn thực chất là cơ hội để bạn được trải nghiệm học tập và thực hành, được quan sát và được nhúng mình vào các hoạt động của nghề nghiệp đó. Và thật tốt biết bao nếu bạn có được những trải nghiệm đó trước khi bạn phải ký giấy "kết hôn" với một nghề nào đó.

Những cuộc Hẹn hò đó nên được diễn ra càng sớm càng tốt, và càng thực tế, càng cụ thể càng tốt. Những trải nghiệm "sống thử" sẽ là những trải nghiệm quý báu.

Trong các trường phổ thông, về nguyên tắc, sẽ có các hoạt động hướng nghiệp giúp cho học sinh được "tìm hiểu - đối tác - nghề". Các cuộc hội thảo mang tính khoa học hay mang tính cộng đồng, các bài báo, các chia sẻ về vấn đề chọn nghề cũng được xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, các trải nghiệm nghề nghiệp thực tế sẽ đáng giá hơn rất nhiều, bởi chỉ khi được trải nghiệm thực tế thì bản thân các bạn trẻ mới có được những cảm nhận thực sự, được bộc lộ những khả năng và cả những hạn chế tiềm ẩn, để hiểu mình, hiểu nghề, và từ đó có những quyết định đúng đắn.

Ở khía cạnh này, một chương trình đào tạo THPT trong Trường Cao đẳng nghề, chú trọng tới các trải nghiệm đa dạng trong cuộc sống và quá trình học nghề, được xây dựng và vận hành hiệu quả, sẽ đem lại lợi thế lớn hơn so với các chương trình đào tạo THPT thông thường, bởi nó sẽ cho phép các học sinh như được "Hẹn hò với tương lai" của chính mình, tìm ra một Phiên bản mong ước nhất của mình, và giúp các em chuẩn bị hành trang thích hợp để làm cho Phiên bản mơ ước đó trở thành sự thật. Trong hành trình Trải nghiệm này, các bạn trẻ có thể Khám phá bản thân, biết đặt ra và tích cực trả lời câu hỏi "Tôi là ai? Tôi mong muốn điều gì nhất? Tôi cần làm gì để có thể thực hiện được mong muốn đó?", qua đó học sinh sẽ trở thành những con người có thể chọn được nghề nghiệp/loại công việc phù hợp một cách có ý thức, để sống Hạnh phúc và có Ý nghĩa.

THÙY CHI

Nguồn: http://baodansinh.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: