Tin mới nhất
 

HCEET tổ chức sinh hoạt học tập ngoại khóa tại Đền thờ Chu Văn An, Công viên Rồng (Hạ Long) cho Học sinh khối song bằng

Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021 và căn cứ nguyện vọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hôm nay, ngày 4/12/2020, Phòng Công tác HSSV đã tổ chức chương trình học tập ngoại khóa tại Đền thờ Chu Văn An và Công viên Rồng (Hạ Long) cho học sinh hệ song bằng.


Ngay từ sáng sớm, Đoàn học sinh hệ song bằng đã được các thầy cô giáo chủ nhiệm và phòng Công tác HSSV đón tại trường và khởi hành đến Đền thờ Chu Văn An – người thầy giáo mẫu mực của muôn đời về tâm đức sáng ngời, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

 

Đoàn học sinh hệ song bằng được tổ chức đến Đền thờ Chu Văn An thực hiện Lễ dâng hương tưởng niệm. 

 

Tại Đền thờ Chu Văn An, đoàn học sinh hệ song bằng cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo của phòng Công tác HSSV trang nghiêm làm lễ dâng hương người thầy đáng kính. Tại đây, các em đã được tham quan và nghe thuyết minh lịch sử về thầy giáo Chu Văn An.

 

Đoàn học sinh hệ song bằng trang nghiêm làm lễ dâng hương người thầy đáng kính - Chu Văn An.

 

Tên tuổi của Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người. Hàng năm, tại khu di tích, nhiều đoàn thăm quan đã về đây để tưởng nhớ đến thầy giáo Chu Văn An, thể hiện nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong giáo viên và học sinh, sinh viên.

 

Đoàn học sinh hệ song bằng cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm và phòng Công tác HSSV chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Chu Văn An.

 

Xin chữ ở đền Thầy Chu Văn An vừa kế thừa những nét văn hoá truyền thống của dân tộc vừa có một ý nghĩa riêng. Sinh thời, Thầy Chu đã cho chữ nhiều người và khi về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng cũng vậy. Ở núi Phượng Hoàng, chữ được viết bằng mực son đỏ tươi. Son được lấy từ Giếng Son dưới núi. Thầy dùng  mực son viết chữ cho mọi người. Người làm quan được thầy cho chữ "Liêm", chữ "Chính", chữ "Tâm", chữ "Đức"…; học trò được thầy cho chữ "Học", chữ "Minh", chữ "Trí", "Chí" chữ "Thành"… Người được chữ thầy cho như được một báu vật thiêng liêng, nâng niu suốt cuộc đời. Có chữ thầy như có thầy ở bên khuyến khích, động viên, nhắc nhở. Người xin chữ thầy bày tỏ tâm nguyện, hướng tới, phấn đấu đạt được chữ đã xin.
Thầy đã đi xa hơn sáu trăm năm, nhiều di tích liên quan đến thầy cũng thay hình, đổi dạng. Nhưng nét văn hoá "Xin chữ" ở đền thầy thì vẫn được bảo tồn. Khi di tích được trùng tu, tôn tạo thì nét văn hoá "Xin chữ" cũng được khôi phục lại. Chữ vẫn được viết bằng màu mực son đỏ tươi. Đây là điều độc đáo chỉ có ở đền thờ Thầy giáo Chu Văn An mà không một di tích nào có được.
Người xin chữ chọn chữ theo ý nguyện, đem chữ đặt trước linh vị thầy (trong Hậu cung). Quỳ xuống lạy thầy ba lạy, khấn rõ tên, tuổi, địa chỉ và tâm nguyện của mình rồi xin chữ đem về treo những vị trí trang trọng trong nhà.

 

 

Các em học sinh xin chữ tại Đền thờ Chu Văn An, bày tỏ tâm nguyện, hướng tới, phấn đấu đạt được chữ đã xin.

 

 

Trong quá trình di chuyển các em đã được Thầy cô, hướng dẫn viên du lịch thuyết minh về các địa danh mà Đoàn đi qua, tổ chức các hoạt động trò chơi vui nhộn trên xe.

Sau khi thăm quan Đền thờ Chu Văn An, đoàn đã nghỉ ngơi ăn trưa và di chuyển đến Công viên Rồng tại Hạ Long - thế giới trò chơi mạo hiểm cùng tàu lượn siêu tốc "khủng" nhất Việt Nam với nhiều hạng mục giải trí hấp dẫn.

 

Đoàn đã nghỉ ngơi ăn trưa tại nhà hàng trước khi di chuyển đến Công viên Rồng tại Hạ Long.

 

Tại đây, học sinh hệ song bằng còn được các thầy cô giáo tổ chức các hoạt động tập thể mang tính giải trí, những trò chơi mang tính trải nghiệm cho học sinh trong chuyến học tập ngoại khóa này.

 

Đoàn đã tham quan, vui chơi tại Công viên Rồng - Hạ Long với nhiều hạng mục giải trí hấp dẫn.

 

Thăm quan dã ngoại thực tế là một hoạt động ngoại khóa trong chương trình giáo dục toàn diện học sinh. Đây cũng là một điều kiện tốt để các em học sinh hệ song bằng được học tập, mở rộng kiến thức, được giao lưu, xây dựng tình đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, đồng thời giáo dục kĩ năng sống cho học sinh như kĩ năng tuân theo quy định của tập thể, kĩ năng tự phục vụ, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng hợp tác làm việc theo nhóm... giúp học sinh tự tin hơn, đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh có thể tự lập và biết sống có trách nhiệm.

Cuối ngày, Đoàn kết thúc chuyến hành trình dã ngoại với những kiến thức bổ ích và kỉ niệm đẹp về những ngày đầu năm học.

 

Một số hình ảnh trong chuyến đi:

 

 

 

 

 

 

Bài: Minh Nguyệt

Ảnh: Phòng Công tác HSSV

 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: