3 Công h Danh sách bài viết (theo chuyên mục)
 

'Chuyện nghề thời 4.0': Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất


Dù theo đuổi nghề sản xuất sẽ phải đối diện với rất nhiều gian nan, nhưng chúng tôi đã không bằng lòng chỉ là một "nhà buôn" dù công việc này khá tốt, mà quyết tâm rót vốn đầu tư mở nhà máy.

Cuộc thi viết Chuyện nghề thời 4.0: Quyết từ nhà buôn thành nhà sản xuất - Ảnh 1.
  • Sản xuất tại công ty Công ty TNHH kỹ thuật công nghệ Nam Sơn - Ảnh: N.AN

Chúng tôi đã gắn bó với nghề phân phối các dòng máy laser suốt nhiều năm qua, chủ yếu là hoạt động nhập khẩu để phân phối cho các dòng máy của Mỹ, EU, Đài Loan... Nhưng nhận thấy từ nhu cầu thị trường và kinh nghiệm tích lũy được, Nam Sơn đã quyết định mở nhà máy, trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm máy laser "Made in Vietnam".

Làm công nghiệp rất gian truân

Tại thời điểm đầu tư vào 10 năm trước, chúng tôi là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất thiết bị máy laser. Nhưng đúng là "sản xuất không trải hoa hồng". Nhiều lần thử thất bại, tháng 7-2012 sản phẩm máy cắt, khắc laser mới được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công với tên Namson PowerMark.

Nhưng làm ra sản phẩm là một chuyện, có được thị trường chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi đã phải đối mặt với những nghiệt ngã nhất của thị trường.

Quyết định đi vào phân khúc giữa, cung cấp những chiếc máy laser có chất lượng tốt với giá thành phù hợp, chỉ khoảng 25.000 USD. Nhưng với một công ty Việt Nam còn non trẻ thì việc đầu tư vào lĩnh vực yêu cầu hàm lượng nghiên cứu, chất xám lớn, để thuyết phục được thị trường là cực khó.

Nhiều người chỉ nghe giới thiệu đã không muốn, họ chỉ nghĩ tới hàng nhập khẩu. Bởi khi đó, trong suy nghĩ của giới máy móc kỹ thuật, định vị về thương hiệu sản phẩm Made in Vietnam ở lĩnh vực cơ khí chính xác, dòng máy công nghệ cao là chất lượng chưa cao. Người ta nghĩ tới Việt Nam là chỉ nghĩ đến cà phê, lúa gạo, cá tra hay nông sản... chứ không mấy ai nghĩ tới nước sản xuất máy móc thiết bị.

Rồi cạnh tranh với Trung Quốc vẫn luôn là rào cản lớn, khi nước này có lợi thế về sản xuất quy mô lớn, công nghệ phát triển. Trong khi đây là lĩnh vực khó và rất mới mẻ ở Việt Nam, chưa có trường đào tạo nên đội ngũ của Nam Sơn laser phải tự đi học, tự bỏ tiền trả cho các đối tác, chuyên gia nước ngoài để có thêm kiến thức.

Quá trình thử nghiệm cho mỗi sản phẩm mới cũng không đơn giản khi linh kiện để sản xuất máy laser rất đắt. Đây là dòng sản phẩm có tốc độ phát triển nhanh, nếu nhập linh kiện về mà không kịp nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất thì sẽ dễ bị "đào thải" do lỗi thời và thị trường bão hòa.

Bởi vậy, khi bỏ tiền đầu tư nghiên cứu một sản phẩm mới với Nam Sơn laser là sự chạy đua với thời gian, phải làm nhanh và nỗ lực gấp đôi, gấp ba để tránh những rủi ro trong đầu tư. Nhưng nghiên cứu ra rồi, để kinh doanh được thì sản phẩm phải được gửi đi kiểm định, có những dòng máy phải gửi ra nước ngoài với chi phí lên tới 300 triệu đồng/lần kiểm định và cấp giấy chứng nhận.

 

Một hành trình tự thân vận động

Trong chặng đường ấy, Nam Sơn laser gần như phải tự thân vận động mà không có nhiều hỗ trợ. Từ các khoản đầu tư tài chính ban đầu rất lớn, hay việc mua sắm máy móc trang thiết bị đắt tiền đều phải tự huy động từ nhiều nguồn. Đến quá trình sản xuất, thử nghiệm sản phẩm và bán hàng, doanh nghiệp cũng phải lặn lội, bươn chải khắp nơi để làm ra một sản phẩm Made in Vietnam với giá thành cạnh tranh nhất, thu hút được khách hàng.

Thậm chí, dù "có suất" vào khu công nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM để được hưởng các ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, song vì phải thuê đất qua bên thứ ba với chi phí lớn, nên chúng tôi cũng đành ngậm ngùi chấp nhận ra bên ngoài để thuê đất, xây nhà máy.

Đến nay, một số chính sách hỗ trợ công ty nhận được là hỗ trợ từ... Tập đoàn Samsung, họ đến nhà máy giúp doanh nghiệp áp dụng mô hình 5S (quản trị sản xuất tinh gọn); hay tham gia các hội chợ, triển lãm... để tìm thị trường.

Đối thủ đến từ Trung Quốc rất đáng gờm, khi nước họ hỗ trợ các dòng sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm xuất khẩu được hoàn thuế lên tới 17%, nên rất cạnh tranh.

Do đó, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thực sự "ra tấm ra món", bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trong ngành sản xuất vốn rất gian nan. Chúng tôi mong có được một phần nguồn lực ban đầu, như vốn, giảm chi phí vay, mặt bằng đất đai hoặc công nghệ, thử nghiệm sản phẩm, tăng cường quản trị và cải tiến sản xuất, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn quốc tế để có nhiều cơ hội hơn ra thị trường nước ngoài.

Nguồn: https://tuoitre.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: