Tin mới nhất
 

'Sinh viên làm shipper vì đằng nào cũng có bằng đại học'


Lao đầu vào bốn năm Đại học trong khi không có mục tiêu cụ thể, nhiều sinh viên chọn làm shipper, chạy xe ôm như một lối thoát.

Thay vì bàn bạc đến vấn đề "Sinh viên ra trường lương thấp", hay "chấp nhận chạy shipper"..., theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên xét tới một mặt thực tiễn hơn rất nhiều: "Các sinh viên này có thật sự cần học Đại học hay không?". Nếu đằng nào cũng chạy shipper, đằng nào cũng lương thấp, đằng nào cũng không có kinh nghiệm... vậy tốn cả mấy năm trời với bao nhiêu chi phí khác, thậm chí là đi du học để cuối cùng sinh viên nhận được gì?

Sinh viên chạy shipper chỉ là phần ngọn, trong khi gốc rễ sâu xa của vấn đề lại liên quan đến vấn đề giáo dục và xã hội, mà chính xác là "không có mục tiêu học tập". Tại sao sinh viên Việt phải "cắm đầu" học Đại học trong khi "không có mục tiêu cụ thể nào"? Câu trả lời vốn dĩ là "các em vừa học xong cấp ba, lại phải ôn thi Đại học luôn khi mà kiến thức vẫn còn".

Vì vậy, câu chuyện này còn liên quan đến chất lượng giáo dục bậc Đại học ở nước ta. Việc "thắt cổ chai" đầu vào, khiến các em học sinh cấp ba phải lao đầu, tìm đại một bến đỗ gọi là Đại học để tạm ổn định với tương lai. Thêm vào đó là suy nghĩ trọng bằng cấp, cho rằng "cứ có bằng Đại học là được, đúng chuyên môn hay không không quan trọng" và "xét lương thưởng theo bằng cấp", cùng suy nghĩ quen thuộc "trọng quan hệ thay vì trọng nhân tài". Trong khi đó, đầu ra Đại học ở ta vẫn theo kiểu "thầy cô giúp đỡ cho nó ra trường kiếm việc làm".

Vậy, bằng Đại học có thật sự cần thiết ở Việt Nam? Tại sao nhiều sinh viên gap year không quay lại để học tiếp? Theo tôi, điều đó có nghĩa là họ đã không còn thấy sự cần thiết của tấm bằng Cao học, hay Đại học. Trên thực tế, tình hình ở Việt Nam từ lâu đã là "thầy nhiều hơn thợ", nhưng năng lực của "thầy" lại rất thiếu tính thực tiễn, cũng như kém cả về chuyên môn so với "thợ".

Bỏ công sức, thời gian học cao với một ngành nghề mình không thấy thú vị, không có đam mê, đơn giản chỉ vì "ba mẹ bảo ngành đó hot", "người ta bảo làm ngành đó giàu", là tự tay bỏ đi tiềm năng, lẫn thời gian của bản thân. Sinh viên không học lại Đại học sau gap year là do đa phần các em, hoặc đã tìm được định hướng của mình, hoặc chỉ đơn giản một năm vẫn không đủ để hiểu rõ bản thân.

>> Sinh viên mải mê làm shipper

Người ta cứ hay nhầm lẫn hai khái niệm "học vấn" và "bằng cấp". Người nông dân không học thì chỉ có làm lụng tay chân. Nhưng cũng người nông dân đó mà chịu học về giống nước, dinh dưỡng, sâu bệnh, cơ khí hóa.., thì vẫn thành công như thường, chẳng quan trọng có bằng cấp gì? Do đó, bằng cấp chỉ là thứ chứng nhận cho khả năng của một người, còn kiến thức học được mới là công cụ.

Muốn xét tới vĩ mô thì theo tôi phải xét từ vi mô trước. Căn nguyên do đâu mà sinh viên, cử nhân phải đi chạy shipper? Tại sao một đất nước với hàng triệu cử nhân đầu ra lại có thu nhập không cao, và trình độ kỹ thuật không có gì nổi trội?
Và còn rất nhiều vấn đề khác, nhưng có thể tóm lại ở một điểm cơ bản nhất: giáo dục. Nó bao gồm cả việc giáo dục phổ cập và chất lượng giáo dục. Sinh viên ra trường thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức thực tế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn... thì lỗi là do đâu? Phí bao nhiêu tiền bạc, thời gian cho một tấm bằng Đại học nhưng không được sử dụng là do đâu? Bao nhiêu chất xám chảy ra nước ngoài là do đâu?

Tóm lại, cử nhân chạy shipper là hệ lụy của những hạn chế trong giáo dục tồn tại suốt bao nhiêu năm qua mà thôi. Sinh viên chăm làm shipper để vừa có tiền, vừa trau dồi kỹ năng, ra đi làm thực tế, bị chê trách là vô bổ; sinh viên chăm chỉ học trong trường cũng bị nói là học vẹt. Nhưng khi tuyển dụng, doanh nghiệp nào cũng yêu cầu sinh viên, cử nhân phải có trình độ chuyên môn này, có kỹ năng mềm kia, lại phải có cả kinh nghiệm thực tế, bằng ngoại ngữ các kiểu, mới mong được lương cao, lên chức... Thế thì chẳng trách sinh viên vẫn nhao nhao đi chạy xe ôm, làm shipper cho nhẹ đầu, lại lương tốt sẵn, khỏi lăn tăn tìm việc.

Nguồn: Master Harem

https://vnexpress.net/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: