Tin mới nhất
 

Cần thiết có quy định giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, liên thông


Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân ở Trung ương và địa phương, trong đó tập trung vào một số cơ quan, tổ chức có tính đại diện rộng rãi và liên quan đến giáo dục. Đối tượng được tập trung lấy ý kiến còn bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, luật sư, luật gia, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng nguồn nhân lực là sản phẩm của ngành giáo dục.

Chính phủ tiến hành lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể góp ý vào dự thảo Luật. Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật, nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Kết quả lấy ý kiến nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nhìn chung qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật Giáo dục.

Cần thiết có quy định giáo dục hướng nghiệp, phân luồng, liên thông
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến quy định định hướng, phân luồng trong giáo dục; chính sách cử tuyển; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; chính sách tiền lương đối với nhà giáo...

Đóng góp về định hướng phân luồng trong giáo dục, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với góp ý này của nhân dân. Theo đó, khi học sinh kết thúc cấp trung học cơ sở, bước vào cấp trung học phổ thông, cần có sự phân luồng rõ ràng. Cụ thể, cần có cấp học trung học phổ thông toàn phần để học sinh có bước phát triển sau này lên đại học; đồng thời cũng có cấp học trung học phổ thông học nghề để học sinh vừa học vừa làm. Sau 3 năm, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có bằng công nhân kỹ thuật... "Tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng, tạo ra một lực lượng lao động hợp lý, tránh được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Các em có thể học liên thông, thậm chí có thể học thêm cao đẳng nghề để nâng cao tay nghề... Việc này sẽ tiết kiệm được nguồn nhân lực cũng như tài chính cho xã hội", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần thiết có quy định hướng nghiệp, phân luồng, liên thông. Phó chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, ở nhiều nước, tùy trình độ và khả năng mà phân cấp trung học phổ thông, chỉ có một tỷ lệ rất ít học sinh vào đại học. Quy định hướng nghiệp, phân luồng, liên thông nếu làm tốt sẽ giải quyết được thực trạng con em đổ xô đi học cử nhân, đại học như hiện nay; đồng thời cũng giúp người dân, đa số với "tâm lý khoa bảng" như hiện nay, sẽ định hướng cho con em học nghề, có công ăn việc làm, có thu nhập, bảo đảm cuộc sống...

Đồng tình với chính sách cử tuyển, song Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ việc thu hẹp đối tượng cử tuyển như trong dự thảo luật. "Đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì vẫn cần có chính sách cử tuyển. Việc cử tuyển quy định trong dự luật này cần làm rõ rằng, đã cử tuyển rồi thì khi về phải phân công công tác, tránh tình trạng khi về lại khó khăn trong bố trí công việc", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ.

Cũng quan tâm đến chính sách cử tuyển, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chính sách cử tuyển cần kèm theo các điều kiện cụ thể. Lâu nay chính sách cử tuyển của ta thực hiện không đúng mục đích, đó là do chúng ta chưa có tiêu chuẩn, có điều kiện, chưa quy định trách nhiệm của từng cấp. Do đó, cần khoanh lại vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và có trách nhiệm sau khi học về phải công tác tại đó.

Cho ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh đến việc thống nhất trong cả nước. Trong chương trình, tùy môn học mà phản ánh được yêu cầu đặc biệt, đặc thù của địa phương vào môn học với tỷ lệ hợp lý. "Tình trạng sách giáo khoa mà ai cũng viết, ai cũng phát hành, tùy từng trường chọn... sẽ không bảo đảm được sự thống nhất chung của giáo dục", Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, tác động đến mọi nhà, do đó cần tiếp tục lấy thêm ý kiến của người dân để tổng quát hơn.

Quy định cụ thể hơn về chống chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Thảo luận cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế (Chương II), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Dẫn chứng về một số trường hợp thành lập công ty, doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập cá nhân, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, dự thảo Luật không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý thu thuế đối với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đây là vấn đề được cử tri rất quan tâm; vì thế, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải nghiên cứu, bổ sung nội dung này. Đồng thời cần rà soát lại các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan thực hiện quản lý thuế; các trường hợp không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp…

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, thuế là nguồn thu cơ bản của Nhà nước. Tuy nhiên vừa qua có nổi lên việc thất thu thuế, vậy luật này có giải quyết được tình trạng trốn thuế, chống thất thu, thậm chí chấm dứt tình trạng thỏa thuận, "cưa đôi" giữa người thu và người nộp thuế không? "Vừa là cơ quan quản lý, thu thuế, lại vừa được quyền xóa nợ, vậy có kiểm soát được quyền lực không? Việc kinh doanh trên mạng có thuộc phạm vi sửa đổi trong Luật này không?...", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu vấn đề.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với hướng tiếp thu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần rà soát thêm các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế; các quy định bảo đảm công khai, minh bạch quá trình quản lý thuế; việc áp dụng thuế điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; vấn đề về kê khai thuế, xóa nợ thuế; cụ thể hóa hơn nữa các điều, khoản, tránh để có quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết… Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu nghiêm chỉnh, đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bế mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 31.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi); khẩn trương hoàn thiện việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Nhấn mạnh những phiên họp tiếp theo sẽ có nội dung lớn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện nội dung, tài liệu, bảo đảm phiên họp diễn ra tốt đẹp.  

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn: http://www.qdnd.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: