Tin mới nhất
 

(HNM) - Giáo dục hướng nghiệp có mục đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả lao động xã hội và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau mỗi bậc học, đặc biệt là bậc trung học phổ thông.

Những năm qua, thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018), công tác này đã được các cấp quản lý giáo dục quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và đạt kết quả tích cực. Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội trong việc chọn ngành, nghề. Qua đó huy động ngày càng nhiều lực lượng lao động trẻ tham gia thị trường lao động.

Tuy vậy, công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong trường phổ thông hiện còn không ít bất cập, hạn chế. Cụ thể như chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp; chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh. Công tác phân luồng học sinh chưa được đẩy mạnh, học sinh sau trung học vẫn chủ yếu mong muốn học đại học...

Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, nếu làm tốt sẽ giúp đất nước sử dụng hợp lý tiềm năng lao động trẻ tuổi. Đây chính là ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài là cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông qua việc đổi mới và tăng cường công tác thông tin, truyền thông. Làm sao để giúp học sinh có nhận thức mình là chủ thể trong sự lựa chọn nghề nghiệp, có định hướng khi chọn nghề dựa trên cơ sở hiểu biết về nghề nghiệp, về nhu cầu thị trường lao động cũng như năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân. Cùng với đó là đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi; bảo đảm học sinh được tiếp cận đầy đủ thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xu hướng và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. 

Ngành Giáo dục và Đào tạo và các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường cung cấp thông tin chính xác về nghề nghiệp, thị trường lao động; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, tổ chức hội nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, để giúp học sinh lựa chọn học nghề đúng, trúng và hiệu quả.

Song song với đó là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng làm công tác hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp. Đặc biệt cần tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông...

Bản thân học sinh cũng cần xác định mục tiêu, nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp để đưa ra quyết định đúng đắn trong lựa chọn ngành, nghề học tập. Kiên quyết không chọn ngành, nghề theo trào lưu, không theo năng lực, nguyện vọng và điều kiện bản thân. Đây chính là giải pháp quan trọng để bồi đắp tình yêu, sự sáng tạo, tư duy kỹ thuật, tư duy kinh tế… với nghề nghiệp, từ đó bảo đảm chắc chắn một công việc ổn định và phù hợp trong tương lai.

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: