Tin mới nhất
 

Sắp xếp lại các trường nghề chỉ có tiến không có lùi


"Sắp xếp lại trường nghề nhưng phải giữ được mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Tránh việc sắp xếp xong thừa một chút đất rồi đầu tư vào lĩnh vực khác. Quỹ đất phải dành cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

 

Năm 2020, trường nghề tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Ngày 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Năm 2020, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Các hoạt động giảng dạy, tuyển sinh có lúc bị gián đoạn khi cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đây cũng là năm đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ của các trường nghề thích ứng với điều kiện bình thường mới. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến. Nhiều trường nghề sớm tuyển đủ chỉ tiêu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và linh hoạt trong hình thức, phương thức tuyển sinh.

Mặc dù năm 2020 ngành giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng công tác tuyển sinh vẫn vượt chỉ tiêu đặt ra.

Cụ thể, năm 2020, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển được 2,28 triệu lượt người, đạt 100,9%. Trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 580 nghìn người; trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác đạt 1,7 triệu lượt người (đạt 101% kế hoạch).

Tính cả giai đoạn 2016-2020, hệ thống trường nghề đã tuyển sinh được hơn 11 triệu lượt người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp đạt hơn 2,4 triệu lượt người.

Năm 2020 cũng là năm đặt dấu ấn quan trọng khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 4/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và lần đầu tiên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp công bố 10 đại sứ nghề Việt Nam. Những sự kiện quan trọng này góp phần lan tỏa kỹ năng nghề và làm thay đổi nhận thức về học nghề, việc làm trong xã hội.

Tập trung quyết liệt sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng: "Sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ có tiến không có lùi"

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá cao kết quả mà ngành giáo dục nghề nghiệp đạt được trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, việc đào tạo nghề ngày càng gắn với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu của xã hội khi tỉ lệ sinh viên có việc làm sau đào tạo đạt 85%, thậm chí một số ngành nghề tỉ lệ sinh viên trường nghề có việc làm đạt 100%. 

Riêng đối với vấn đề sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo, đây là chủ trương chỉ có tiến không có lùi. Dù việc sắp xếp này có thể khiến một số trường, một số địa phương gặp áp lực song đây là nhiệm vụ phải làm.

"Sắp xếp nhưng phải giữ được mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Tránh việc sắp xếp mà thừa một chút đất đai rồi lại đầu tư vào lĩnh vực khác. Quỹ đất phải đành cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh. 

TS. Nguyễn Đắc Hưng: Nhu cầu ngành nghề của xã hội thay đổi rất nhanh. Nghề mới xuất hiện nhưng trường nghề đã mở ngành đào tạo kịp chưa? 

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2017 đến năm 2020 cả nước đã giảm 6% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả. Mặc dù đây là nỗ lực rất lớn nhưng TS. Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng vụ GD&ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, cần phải coi trọng hơn nữa việc sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống các trường nghề khi mỗi nơi đang làm một kiểu.  

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đắc Hưng trước bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ngành giáo dục nghề nghiệp cần dự báo tốt hơn những ngành nghề mới và chuẩn kỹ năng nghề nghiệp. "Rất nhiều ngành nghề không cần đào tạo nữa nhưng vẫn đào tạo. Trong khi đó có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, cần đào tạo thì trường nghề lại không có" -  TS. Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.

Dự kiến, năm 2021, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh 2,5 triệu lượt người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng 250 nghìn người, trung cấp 340 nghìn người. TS. Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, vấn đề tuyển sinh là nhiệm vụ then chốt. Trường nghề không có người học thì không nói được điều gì cả. 

Để thực hiện được nhiệm vụ tuyển sinh năm 2021 cũng như giai đoạn tới đây, ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính: Cải thiện thể chế, chính sách; xây dựng chiến lược, các đề án phát triển như đề án đào tạo lại, đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số...

Nguồn: Trần Bá Duy

https://vov2.vov.vn/


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: