Tin mới nhất
 

Tiếng Anh chuẩn cho trường nghề


Thông tư số 03/2019/TT-BLĐTBXH (Thông tư 03) của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 17.1.2019 quy định về chương trình môn học tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng ra đời, tạo nên sự hoàn thiện, thống nhất chung chương trình, giáo trình môn học tiếng Anh, phù hợp với Chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Khung trình độ quốc gia. Đây là bước đổi mới kịp thời về Tiếng Anh cho nhóm trường này ở từng cấp trình độ, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực.    

Tạo sự ổn định trong dạy và học

Ngoài việc củng cố và hoàn thiện đầy đủ hơn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Thông tư 03 còn góp phần thống nhất một trong các môn học ngoại ngữ là tiếng Anh ở mỗi trình độ đào tạo, tạo sự ổn định trong việc giảng dạy các môn học chung trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Thông tư 03 là văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về GDNN, được xây dựng trên cơ sở quy định của các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Đồng thời, là cơ sở pháp lý để các cơ sở GDNN, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động GDNN, các tổ chức và cá nhân liên quan tổ chức quản lý, thực hiện giảng dạy các môn học chung tại cơ sở đào tạo ở trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng (trừ các ngành, nghề đào tạo thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Sinh viên trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội trong giờ học tiếng Anh
Ảnh: Thái Bình

Thông tư 03 cũng là một trong những văn bản quy phạm pháp luật không quy định thủ tục hành chính trong hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đem lại công bằng cho cả nam và nữ trong việc học tập môn học chung ở các cơ sở GDNN. Thông tư ra đời, sẽ bãi bỏ Thông tư số 30/2009/TT-BLĐTBXH quy định chương trình môn học tiếng Anh giảng dạy cho học sinh học nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo Quy định của luật Dạy nghề trước đây; đồng thời, khẳng định sự liên kết chặt chẽ, thống nhất giữa các văn bản dưới Luật Giáo dục  nghề  nghiệp để tổ chức đào tạo.

Nội dung các bài học trong từng chủ đề được lựa chọn, bám sát mục tiêu kết quả đầu ra ở trình độ trung cấp và cao đẳng, bảo đảm người học đạt được trình độ năng lực tiếng Anh  bậc 1 (ở trình độ trung cấp) và bậc 2 (ở trình độ cao đẳng), theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam về mặt kiến thức, kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) và năng lực tự chủ và trách nhiệm. Đặc biệt, với phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ. Phương pháp đánh giá sẽ dựa theo đặc thù ngành, nghề đào tạo và điều kiện của từng cơ sở GDNN, có thể kết hợp kiểm tra nghe, nói và tự luận.

Tạo thuận lợi nhất cho người học

Để bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người học và linh hoạt trong phương thức tổ chức đào tạo theo chương trình đào tạo của từng trường do hiệu trưởng nhà trường phê duyệt (theo niên chế hoặc tích lũy mô đun/tín chỉ), Thông tư 03 đã quy định rõ việc miễn trừ, bảo lưu kết quả học tập cho người học, cụ thể: Người học được miễn học, miễn thi kết thúc môn học tiếng Anh trong các trường hợp sau: Có chứng chỉ tiếng Anh bậc 1 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có chứng chỉ tiếng Anh tương đương cấp độ A1 trở lên theo Khung tham chiếu chung châu Âu do các tổ chức nước ngoài cấp.

Việc hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập môn học để tạo tính mở, linh hoạt, chủ động, sáng tạo của giáo viên và tính tự giác, tích cực của người học cũng là một điểm nhấn và sự thay đổi về tư duy tích cực của giáo viên và tư duy phản biện của người học trong môi trường dạy và học ngoại ngữ. Thông tư 03 cũng khuyến khích các cơ sở GDNN, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động GDNN trang bị phòng học nghe nhìn và các điều kiện khác để có thể tổ chức giảng dạy môn học hoặc một số nội dung của môn học theo hình thức trực tuyến.

Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 5.3.2019. Hy vọng, với những quy định cụ thể mới, mở và linh hoạt có tính thống nhất cao cho môn học chung, bắt buộc này; cùng với mục tiêu đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, thì chất lượng và năng lực ngoại ngữ nổi trội, sẽ là một trong những kỹ năng mềm quan trọng, hỗ trợ cho nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác: