Buổi tọa đàm “Chương trình đào tạo thứ hai, hệ cao đẳng chính quy khóa 46”

Buổi tọa đàm “Chương trình đào tạo thứ hai, hệ cao đẳng chính quy khóa 46”

Với mục tiêu trang bị cho các em sinh viên có kiến thức đa dạng, sẵn sàng đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay, chiều ngày 29 – 03 -2019,  phòng Đào tạo phối hợp với khoa Điện tử – Viễn thông và khoa Điện – Tự động hóa, trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy khóa 46”.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy khóa 46”

 

Đến với buổi tọa đàm có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Hằng Nga, trưởng phòng Đào tạo; Ông Nguyễn Đăng Lăng, phó trưởng phòng Đào tạo; Ông Đặng Quốc Chính, trưởng khoa Điện tử – Viễn Thông; Ông Trần Liêm Hiệu, phó phụ trách khoa Điện – Tự động hóa, các thầy cô giáo phụ trách các phòng, khoa, trung tâm cùng hơn 100 em sinh viên có đủ điều kiện theo học chương trình đào tạo thứ 2 này.

 

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Mở đầu buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Trưởng phòng Đào tạo phát biểu, giới thiệu về mục đích cũng như những cơ hội khi các em sinh viên theo học chương trình đào tạo thứ 2. Bà Nga nhấn mạnh: “Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức, đặc biệt với đội ngũ lao động kỹ thuật. Lao động chất lượng cao hiện nay ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng tay nghề giỏi, còn đòi hỏi phải có năng lực thích ứng với yêu cầu của cách mạng 4.0. Với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ hiện nay đòi hỏi các cơ sở giáo dục ngoài việc trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cơ bản còn cần chú trọng trang bị các kỹ năng bổ trợ thiết yếu, đó là điều kiện tiên quyết cho người lao động như: kỹ thuật nhận thức, kỹ năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu thay đổi của công việc. Hiểu được sự cấp thiết đó, BGH nhà trường đã có chủ trương tạo điều kiện cho sinh viên đủ điều kiện theo học chương trình đào tạo thứ hai để ra trường các em có trong tay 02 bằng tốt nghiệp, để từ đó làm tiền đề cho các em lựa chọn được những công việc tốt nhất cho mình.” 

 

Ông Nguyễn Đăng Lăng – Phó trưởng phòng Đào tạo phát biểu, chia sẻ tại buổi tọa đàm

 

Tiếp theo là những chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch của chương trình đào tạo thứ 2, những điều kiện cần và đủ của các bạn sinh viên khi theo học chương trình này của ông Nguyễn Đăng Lăng – Phó trưởng phòng Đào tạo. 

Sinh viên Đỗ Xuân Thủy, lớp 43KTML1 có ý kiến: ” Nếu chúng em đăng kí Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy khóa 46 thì thời gian học sẽ như thế nào?”

 Ông Nguyễn Đăng Lăng – Phó trưởng phòng Đào tạo đã trả lời: “Khi các em học song bằng theo Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy khóa 46 thì sẽ giảm được 30-35% số tín chỉ của một chương trình. Thời lượng sẽ phụ thuộc từng ngành đào tạo, phụ thuộc vào mối tương đồng giữa ngành đang học và ngành đăng kí học.”

 

 Thầy Đặng Quốc Chính – Trưởng khoa Điện tử – Viễn Thông với những chia sẻ tâm huyết

 

Sau phần trình bày của ông Nguyễn Đăng Lăng là những chia sẻ tâm huyết của thầy Đặng Quốc Chính – Trưởng khoa Điện tử – Viễn Thông. Thầy Chính cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì việc các em chỉ học một chuyên ngành sẽ ít cơ hội việc làm hơn khi các em cùng lúc tốt nghiệp 2 bằng của 2 ngành nghề khác nhau, khi đó cơ hội việc làm cũng như lựa chọn công việc của các em cũng nhiều hơn. Các em hãy tận dụng thời gian khi đang học để cùng lúc hoàn thiện các kỹ năng khác nhau bởi với một người làm kỹ thuật nếu chỉ biết làm đúng một kỹ năng thì rất ít cơ hội hơn các bạn khác khi họ cùng lúc làm được nhiều kỹ năng hơn.” 

Sinh viên Nguyễn Đức Toản, lớp 45 CNTT nêu câu hỏi: “Khi sinh viên đủ điều kiện học Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy thì có phải đi thực tập lần 2 không?”

Thầy Đặng Quốc Chính, trưởng khoa Điện tử – Viễn Thông đã trả lời: “Khi các em học Chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy là các em học thêm một chuyên ngành khác. Nên việc đi thực tập cho chuyên ngành thứ 2 là cần thiết.”

 

Thầy Trần Liêm Hiệu – Phó phụ trách khoa Điện – Tự động hóa trao đổi với các em sinh viên tại buổi tọa đàm

 

Cũng tại buổi tọa đàm, thầy Trần Liêm Hiệu – Phó phụ trách khoa Điện – Tự động hóa rất đồng cảm với những chia sẻ của thầy Chính. Thầy Hiệu cho rằng: “Với công việc kỹ thuật thì việc cùng lúc có 2 chuyên ngành là một lợi thế rất lớn. Ngành này sẽ hỗ trợ ngành kia, và khi đó thay vì doanh nghiệp họ phải tuyển dụng 2 nhân sự cho 1 vị trí việc làm thì nay nếu các em có cùng lúc 2 chuyên ngành thì doanh nghiệp họ chỉ cần tuyển 01 vị trí.” 

Sau khi nghe các trao đổi của các thày cô giáo chuyên môn, sinh viên Nguyễn Hoàng Khanh, lớp 45 TĐH  đã nhờ các thày cô tư vấn thêm: “Ngành Tự động hóa nên học chương trình văn bằng 2 ngành gì để bổ trợ tốt nhất?

Thầy Trần Liêm Hiệu, Phó phụ trách khoa Điện – Tự động hóa chia sẻ “Em đang là sinh viên ngành Tự động hóa thì nên học thêm ngành Điện tử công nghiệp hoặc ngành Cơ điện tử vì kiến thức 2 ngành này hỗ trợ cho ngành em đang theo học.”

 

Các câu hỏi của các bạn sinh viên tại buổi tọa đàm đều được các thầy cô trả lời chi tiết.

 

Phần cuối của buổi tọa đàm là những câu hỏi của các bạn sinh viên đủ điều kiện theo học chương trình đào tạo thứ 2 gửi đến các thầy cô giáo. Các thắc mắc của các em đều được các thầy cô giáo trả lời rất cụ thể và chi tiết.

Ảnh: Việt Cường

Bài: Thanh Nguyễn

 

Hiện nay, trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội đang thực hiện Tuyển sinh chương trình đào tạo thứ 2 hệ cao đẳng chính quy khóa 46 theo thông báo sau:

http://dtdl.edu.vn/tuyen-sinh/-/content/138/thong-bao-tuyen-sinh-chuong-trinh-dao-tao-thu-2-he-cd-chinh-quy-k46-2019.html