Hiệu trưởng tham gia Tọa đàm “Vai trò của giáo dục hướng nghiệp trong việc phân luồng học sinh tại các nhà trường”

Hiệu trưởng tham gia Tọa đàm “Vai trò của giáo dục hướng nghiệp trong việc phân luồng học sinh tại các nhà trường”

Tại Hội thảo diễn ra ngày 13/4, Ts. Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng Nhà trường và các diễn giả đã thẳng thắn đi sâu phân tích một số vấn đề như tình trạng phân luồng giáo dục hiện thường bị hiểu lầm là “học yếu mới phải học nghề”.

Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là lãnh đạo của các trường Đại học, Cao đẳng, THPT trên địa bàn Hà Nội.

Tọa đàm có sự góp mặt của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội); Thạc sĩ Lê Anh Tuấn – Trưởng Phòng phát triển kỹ năng và công tác xã hội CSS, Chủ nhiệm Dự án “Hướng nghiệp 24/7”; Tiến sĩ Trần Xuân Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội; cô Đào Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng, thị trường lao động thay đổi mạnh mẽ, việc kết nối doanh nghiệp, nhà trường và học sinh gắn với định hướng, phân luồng giáo dục là một trong những nội dung đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Trước tình hình đó, công tác hướng nghiệp và phân luồng giáo dục học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đang trở thành nhiệm vụ quan trọng để có thể phát triển tối đa năng lực cá nhân của các bạn trẻ, đồng thời giảm áp lực cho hệ thống giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường hiện đại.

Các diễn giả thảo luận về hướng nghiệp tại Tọa đàm.

Các diễn giả đã trao đổi, đánh giá và làm rõ nhiều vấn đề như: thực tế hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông hiện nay, những khó khăn liên quan mà nhà trường, thầy cô giáo dạy trải nghiệm, hướng nghiệp đang gặp phải; vai trò của giáo dục hướng nghiệp trong phân luồng giáo dục; xu hướng các ngành học hiện nay…

Đại diện các bên ký kết hợp tác hướng nghiệp, tuyển sinh trong khuôn khổ Tọa đàm.

Bên cạnh đó, thẳng thắn đi sâu phân tích một số vấn đề như tình trạng phân luồng giáo dục hiện thường bị hiểu lầm là “học yếu mới phải học nghề” và hướng đi để thay đổi tư duy này của xã hội và phụ huynh; giải pháp hỗ trợ giáo viên để làm tốt công tác hướng nghiệp tại nhà trường…

Ts. Trần Xuân Ngọc chia sẻ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh của Nhà trường.

Tại buổi Tọa đàm, Ts. Trần Xuân Ngọc chia sẻ rằng, các ngành kỹ thuật như Cơ khí, Điện công nghiệp, Công nghệ nhiệt lạnh, Công nghệ bán dẫn… vẫn luôn là lĩnh vực then chốt cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Theo thầy Ngọc, đối với các ngành nghề này, hiện tại và trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại Việt Nam, theo đó nhu cầu nhân lực vẫn rất cao. Theo đánh giá, số lượng tuyển dụng lao động các ngành này mỗi năm tăng từ 25 – 30%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang phát triển với nhịp độ rất nóng và với tầm nhìn xa, AI và Công nghệ bán dẫn được dự đoán sẽ trở thành bộ đôi chìa khóa công nghệ cho tương lai tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Là một cơ sở đào tạo nghề nghiệp uy tín các ngành học này, ngoài việc đảm bảo chương trình học bài bản cho HSSV, Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội rất chú tâm tới hoạt động định hướng nghề nghiệp cho các em. Thời gian ngồi trên ghế Nhà trường của các em không dài nhưng các em HSSV còn có cả một tương lai phía trước, chọn đúng ngành học chính là các em đã thành công một nửa. Và với phương châm đào tạo “Thực học – Thực nghiệp” và có doanh nghiệp đồng hành, Nhà trường tự tin là cơ sở GDNN đi đầu trong công tác định hướng nghề nghiệp và mang lại nhiều cơ hội việc làm tốt cho người học.

Phòng TS&TT