Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động năm 2018 thông qua nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động năm 2018 thông qua nhiều nội dung quan trọng

Chiều ngày 01/02/2018 Trường cao đẳng Điện tử – Điện lạnh đã tổ chức thành công Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động năm 2018. Trước đó, các phòng, khoa, trung tâm trực thuộc đã tổ chức Hội nghị cấp đơn vị, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị viên chức năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, đề xuất kiến nghị về các chế độ cho người lao động cũng như những ý kiến đóng góp xây dựng, phát triển Nhà Trường trong thời gian tới.

 

Dưới sự chủ trì của Đoàn chủ tịch gồm Hiệu trưởng Chu Khắc Huy – Đại diện Tập thể lãnh đạo, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Đức Thắng – Đại diện BCH Công đoàn Trường và giảng viên Dương Ngọc Hồng – Đại diện viên chức, Hội nghị đã thông qua các báo cáo quan trọng như Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các tập thể trong Hội nghị cấp phòng, khoa, trung tâm, Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị viên chức năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Thanh Tra nhân dân, Báo cáo công khai tài chính và thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ sửa đổi, bổ sung.

 

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

 

Ông Chu Khắc Huy – Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2018

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung – Trường phòng Kế toán, tài vụ báo cáo tình hình tài chính và dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ sửa đổi, bổ sung

 

Ông Lê Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân báo cáo hoạt động công tác thanh tra Nhân dân năm 2017

 

Trong phần thảo luận, nhiều viên chức đã có ý kiến trực tiếp, đề nghị được phổ biến kỹ hơn về hoạt động tài chính, về chế độ làm việc và kế hoạch nghỉ phép trong năm cũng như bàn luận giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chăm lo đời sống cho đoàn viên Công đoàn. Hầu hết các ý kiến đều có tính chất xây dựng, thẳng thắn và đúng quyền hạn, trách nhiệm. Theo phân công của Đoàn chủ tịch, cán bộ quản lý đơn vị chức năng như Trưởng phòng TCHC, Trưởng phòng Kế toán, tài vụ, Chủ tịch Công đoàn và Hiệu trưởng Nhà trường đã báo cáo bổ sung, giải đáp đầy đủ những ý kiến mà viên chức, người lao động nêu ra.

 

Các viên chức phát biểu thảo luận tại Hội nghị

 

Với sự nhất trí của 100% đại biểu tham dự, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết với nhiều mục tiêu, giải pháp, chỉ tiêu thực hiện trong năm 2018 như sau:

– Triển khai xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội đến năm 2021 và tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường các giải pháp phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để tiến tới tự chủ về tài chính từ năm 2020.

– Kiện toàn nhân sự Ban Giám hiệu theo hướng chú trọng công tác quy hoạch, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tích cực phát huy đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm cao. Làm tốt công tác luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Nhà trường; xác định nhu cầu và hiệu quả công việc để điều động, phân công nhiệm vụ cho viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn, năng lực, chiều hướng phát triển của mỗi cá nhân. Kiện toàn viên chức quản lý tại các đơn vị trong đó ưu tiên kiện toàn tại các khoa Nhiệt lạnh, Điện – Điện tử, điều động viên chức là giảng viên cơ hữu không bảo đảm định mức giờ chuẩn về các phòng chức năng có nhu cầu; giảm bớt nhân viên hợp đồng không đáp ứng tốt nhiệm vụ; theo dõi, đánh giá chất lượng và mức độ cần thiết đối với các giáo vụ khoa để có phương hướng bố trí, sắp xếp công việc hoặc tinh giản biên chế.

– Ban hành hệ thống văn bản quản lý theo hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp như: Quy chế tuyển sinh trung cấp, cao đẳng; Quy chế Đào tạo, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng; Quy định về công tác khen thưởng, kỷ luật và đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV. Chỉnh sửa Quy chế thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, phát huy sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người lao động. Chỉnh sửa Quy chế Chi tiêu nội bộ phù hợp lộ trình thực hiện tự chủ vào năm 2020.

 – Chú trọng công tác phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; có chính sách ưu tiên, ưu đãi trong tuyển dụng giảng viên chuyên ngành nhất là với những người có tay nghề cao, kinh nghiệm chuyên môn tốt; tập trung nguồn lực để đào tạo kỹ năng theo chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế. Tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng nhà giáo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng dạy nghề theo chuẩn giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề và kỹ năng giảng dạy thực hành/tích hợp. Tổ chức cho giảng viên chuyên ngành được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề và trình độ ngoại ngữ để có khả năng tiếp nhận các chương trình đào tạo chuẩn của Khu vực và Quốc tế.

Xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút, ưu tiên tuyển dụng những người đã có kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp tham gia giảng dạy, những nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi, tay nghề cao, có kinh nghiệm giảng dạy. Có kế hoạch tuyển dụng viên chức vào các vị trí còn thiếu, ưu tiên bổ sung giảng viên chuyên môn, đặc biệt đối với các ngành nghề hiện đang thiếu như: Nhiệt lạnh, cơ khí, điện tử. Nghiên cứu phương án tổ chức thi tuyển viên chức năm 2018.

– Nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, tuyển sinh, tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp. 

Tăng cường nghiên cứu đổi mới phương pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng tuyển sinh. Đẩy mạnh công tác tuyển sinh tại trường, phát huy tối đa nội lực của viên chức lao động và HSSV Nhà trường trong công tác tuyên truyền tuyển sinh, đảm bảo công tác tuyển sinh toàn trường đạt 85% chỉ tiêu được giao, trong đó tập trung tuyển sinh đủ chỉ tiêu của bốn ngành/nghề được phê duyệt là nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu, đào tạo chuyên đề cho HSSV tại chỗ với 300 chỉ tiêu/năm.

Rà soát, chỉnh lý chương trình đào tạo tiếp cận Khung trình độ và Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia. Phát huy tối đa sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, phát triển chương trình, giới thiệu việc làm. Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, gắn với thị trường lao động, chú ý đến dự báo nhu cầu thị trường lao động, đào tạo kỹ năng thực tiễn. Năm 2018 phấn đấu 80% HSSV khóa 43 được tham gia thực tập trải nghiệm thực tế kết hợp lao động sản xuất tại doanh nghiệp, 90% HSSV năm cuối được Nhà trường liên hệ thực tập và giới thiệu việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo. Có giải pháp quản lý,

– Đổi mới có hiệu quả công tác quản lý giáo dục. Đa dạng hóa các hình thức giảng dạy trên cơ sở phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin. Từng bước nghiên cứu một số môn học, mô-đun có nội dung phù hợp để áp dụng triển khai giảng dạy trên các thiết bị thí nghiệm ảo, hệ thống thiết bị thực tế ảo, các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị dạy học thực tế trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm bớt đầu tư trang thiết bị.

– Chú trọng công tác xây dựng, sửa chữa cơ bản bảo đảm đáp ứng tốt cơ sở hạ tầng cho hiện tại và tương lai lâu dài. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chung và thiết bị chuyên ngành cho các khoa có nghề trọng điểm và những ngành, nghề đang có nhu cầu học tập lớn.  Thực hiện cải tạo cơ sở hạ tầng như nhà xe giáo viên, các phòng học nhà H, nhà K, xây dựng tường rào và một số phòng học thực hành…

– Tăng cường công tác giáo dục ý thức chấp hành kỷ luật của HSSV. Phát huy cao vai trò của GVCN trong việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người học; tư vấn, giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến người học. Có biện pháp giảm thiểu nhanh tỷ lệ bỏ học, thôi học tối thiểu 10% so với năm học trước, đi đôi với tăng cường ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của HSSV. Chú ý xây dựng các mô hình hoạt động của HSSV Nhà trường với tiêu chí: Tri thức, thành thạo, tử tế, (gọi tắt là “Mô hình 6T”).

– Tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo 50% kinh phí chi thường xuyên theo lộ trình tự chủ độc lập đã được Thành phố phê duyệt. Khai thác và quản lý tốt nguồn thu, kết hợp với tiết kiệm chi để thực hiện cải cách tiền lương theo các văn bản chỉ đạo của Nhà nước. Bảo đảm giữ mức thu nhập ổn định như năm 2017 nhưng có nâng thu nhập tăng thêm cho viên chức, giảng viên trên cơ sở đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả công tác để nâng cao đời sống cho viên chức, lao động theo tinh thần động viên đúng người, đúng việc, phân phối theo kết quả lao động.

– Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, công tác thanh tra, kiểm tra nhất là các khâu quản lý đào tạo, công tác giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập; duy trì nền nếp, kỷ cương trong đào tạo, đặc biệt coi trọng công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ công khai, giải trình với cơ quan quản lý và xã hội.

 

Bài và ảnh: Lê Việt Cường