Khai mạc lớp Tập huấn về an toàn trong sử dụng dung môi chất lạnh tự nhiên

Khai mạc lớp Tập huấn về an toàn trong sử dụng dung môi chất lạnh tự nhiên

Tham dự Lễ khai mạc có Ths. Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Ths. Đặng Quang Hùng – Trưởng khoa Công nghệ nhiệt lạnh; Ông Nguyễn Bá Tú – Điều phối viên Văn phòng Ozone Quốc gia, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ tài Nguyên và Môi trường; Ông Dainel – Đại diện GIZ tại Việt Nam; Bà Vũ Thị Kim Thoa – Đại diện Dự án GCI3 – GIZ Việt Nam; Ông Nguyễn Bá Chiến – Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về môi chất lạnh; Ông Huỳnh Thảo – Giảng viênTrường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban cùng hơn 30 sinh viên K50 – Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội.

Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội là một trong hai trường trên địa bàn Hà Nội được lựa chọn để thí điểm về đào tạo và nâng cao nhận thức về sử dụng môi chất lạnh tự nhiên.

 

Với tình hình hiện nay, nhiệt độ tăng, dân số tăng, tốc độ đô thị hóa cùng với sự tăng trưởng kinh tế đang thúc đẩy nhu cầu làm mát trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Tuy vậy, rất nhiều môi chất lạnh và xốp cách nhiệt đang được sử dụng lại gây hại cho môi trường.

Làm mát xanh được cho là phương án khả thi nhất để đáp ứng nhu cầu làm mát ngày càng tăng mà vẫn bảo vệ được khí hậu trên trái đất. Trong tương lai, thế hệ HSSV ngành Công nghệ nhiệt lạnh chính là nguồn nhân lực được kỳ vọng sẽ trở thành “chìa khóa vàng” mở cánh cửa của kỷ nguyên năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

 

Các bạn HSSV ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí hào hứng với lớp tập huấn bổ ích này.

 

Lớp tập huấn giúp các em hiểu biết thêm những nguyên tắc làm mát xanh mà Tổ chức Giz đang triển khai: Sử dụng môi chất lạnh tự nhiên nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. “Cách tiếp cận làm mát xanh” này nhằm tránh và giảm các tác động tiêu cực từ ngành lạnh tới khí hậu.

“Mùa hè vừa qua được các chuyên gia nhận định là nóng nhất trong lịch sử cả trên thế giới và Việt Nam. Điều này một phần ảnh hưởng từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Từ thực tế đó đặt ra nhu cầu sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và hiệu quả. Các môi chất lạnh dùng trong những thiết bị làm mát cần an toàn với môi trường, không gây suy giảm tầng ozone và không gây ra hiệu ứng nhà kính. Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội là một trong hai trường trên địa bàn Hà Nội chúng tôi lựa chọn để thí điểm về đào tạo và nâng cao nhận thức về sử dụng môi chất lạnh tự nhiên và chủ yếu là chất R290 trong các sản phẩm làm lạnh. Qua lớp tập huấn này, tôi hy vọng các em sẽ có nhiều kiến thức về phương pháp làm mát xanh cũng như ý thức rõ hơn về việc bảo vệ môi trường sống”, ông Nguyễn Bá Tú – Điều phối viên Văn phòng Ozone Quốc gia, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ tài Nguyên và Môi trường chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Bá Tú – Điều phối viên Văn phòng Ozone Quốc gia, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ tài Nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi lễ.

 

Sáng kiến Làm mát Xanh III (GCI III) là dự án toàn cầu, hỗ trợ 07 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, GCI III hướng tới nâng cao năng lực cho cả khu vực công và tư về cách tiếp cận “làm mát xanh”. Từ đó hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ thân thiện với khí hậu, đóng góp vào mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Hiện nay, Điện lạnh là một trong những ngành có phát thải nhà kính lớn nhất thế giới. Vì thế, trong tương lai nhu cầu về làm mát sẽ không có xu hướng giảm. Là một người rất quan tâm đến dung môi chất lạnh tự nhiên và tâm huyết với các dự án bảo vệ môi trường, ông Daniel cho rằng lớp tập huấn này mang tính kịp thời, thiết thực với các bạn HSSV đang theo học ngành này: “Việc sử dụng môi chất lạnh tự nhiên sẽ mang đến hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng tích cực, đóng góp rõ ràng hơn vào việc chống lại biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có đủ các kỹ thuật viên đủ khả năng để sử dụng các công nghệ làm mát xanh. GIZ hy vọng qua lớp tập huấn với HSSV Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội sẽ giúp các bạn trở thành những kỹ sư có thể sử dụng thuần thục các môi chất lạnh tự nhiên và nhân rộng mô hình này trong tương lai”, ông Dainel – Đại diện GIZ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc.

Ông Dainel – Đại diện GIZ tại Việt Nam tin rằng HSSV của Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội sẽ trở thành những kỹ sư sử dụng thuần thục dung môi chất lạnh tự nhiên trong tương lai.

 

Lớp tập huấn về an toàn trong sử dụng dung môi chất lạnh tự nhiên sẽ diễn ra trong 02 ngày 18 – 19/01 dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu về môi chất lạnh và các thầy giáo chuyên môn của Trường Cao đẳng Điện tử – Điện Lạnh Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc lớp tập huấn:

 

 

Trung tâm TS&TT