Lễ bế giảng lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng tại Trại Tạm giam số 1

Lễ bế giảng lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng tại Trại Tạm giam số 1

Chiều ngày 16/01, Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội phối hợp với Trại Tạm giam số 1 Công an Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ bế giảng lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng và trao Chứng chỉ Sơ cấp nghề cho 25 phạm nhân đã hoàn thành khóa học.

Tham dự Lễ bế giảng có Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám thị Trại Tạm giam số 1, Ths. Nguyễn Thị Hằng Nga – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội, Thầy giáo Trần Liêm Hiệu – Trưởng khoa Điện – Tự động hóa cùng các lãnh đạo của 02 đơn vị và 50 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại Tạm giam số 1.

 

Sau 03 tháng, 25 học viên đã hoàn thành xuất sắc chương trình học của lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng.

 

Với khóa học này, các “học viên đặc biệt” đã được đào tạo để thành thạo các kỹ năng về điện như: Sử dụng được đồng hồ vạn năng, ampe kìm và các dụng cụ nghề điện đúng phương pháp, đảm bảo an toàn; Lắp đặt được hệ thống điện sinh hoạt đúng yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ; Lắp đặt, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa được các thiết bị điện thông dụng đúng quy trình, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và đúng thời gian; Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc thực tế…

Chương trình đào tạo của Nhà trường luôn được đan xen giữa lý thuyết và thực hành, theo phương pháp lấy học viên làm trung tâm. Sau mỗi phần học, học viên đều được kiểm tra để đánh giá kết quả toàn khoá. Trải qua 03 tháng với hơn 300 giờ học, 25 học viên của lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng đã hoàn thành xuất sắc khóa học. Trong đó, 03 phạm nhân nhận Chứng chỉ loại Giỏi và 22 phạm nhân nhận Chứng chỉ loại Khá. Để có được kết quả đáng khích lệ này, các học viên đã rất nỗ lực học tập và rèn luyện trong thời gian vừa qua.

 

Thượng Tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám thị Trại Tạm giam số 1 phát biểu tại buổi lễ.

 

“Lớp Sơ cấp nghề Điện dân dụng là cơ sở để phạm nhân học hỏi, nâng cao hiểu biết và định hướng về nghề. Sau khi chấp hành án, trở về xã hội họ có tay nghề, có khả năng tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Thông qua chương trình đào tạo này, chúng tôi tin rằng các phạm nhân đã nhận thức được rõ giá trị lao động và có thể tự tin tái hòa nhập cộng đồng, dần ổn định cuộc sống” – Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám thị Trại Tạm giam số 1 chia sẻ tại buổi lễ.

Đại diện cho 25 học viên của lớp, học viên Nguyễn Duy Thảo bày tỏ sự biết ơn với sự quan tâm của Nhà nước, Ban lãnh đạo Trại Tạm giam số 1 và phía Nhà trường đã tạo điều kiện để được đi học, cập nhật kiến thức về nghề: “Khóa đào tạo Sơ cấp nghề Điện dân dụng thể hiện rõ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người đã từng lầm đường lạc lối như tôi. Lớp học mang tính nhân văn sâu sắc, là hành trang giúp chúng tôi bớt mặc cảm khi tái hòa nhập cộng đồng trở về với gia đình và xã hội. Được định hướng nghề nghiệp, được tiếp thu những kiến thức bổ ích từ các thầy, cô giáo của Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội, chúng tôi sẽ cố gắng vận dụng những gì đã được học vào đời sống, trở thành người công dân lương thiện và có ích cho cộng đồng”.

 

Học viên Nguyễn Duy Thảo gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo Trại Tạm giam số 1 và các thầy cô giáo của Nhà trường đã quan tâm, động viên các học viên trong suốt thời gian diễn ra khóa học.

 

Với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ các phạm nhân, lớp Sơ cấp Điện dân dụng ngắn hạn bổ ích này được xác định là chương trình học mang ý nghĩa nhân văn nhưng cũng rất thực tế của Nhà trường. Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội rất vinh dự khi được tham gia vào công tác hỗ trợ phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được học tập, lao động, sản xuất, nâng cao kỹ năng sống, phát huy khả năng của bản thân, vươn lên phát triển kinh tế – xã hội.
 

Ths. Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội mong muốn, trong tương lai sẽ có nhiều cơ hội được phối hợp với phía Trại Tạm giam Số 1.

 

“Ngoài nghề Điện dân dụng, Trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội còn rất nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay như Điện lạnh, Điện tử, Công nghệ thông tin, cơ khí… Các học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng hoàn toàn có thể tiếp tục theo học các chương trình học khác của Nhà trường để củng cố thêm kiến thức và nâng cao tay nghề. Chúng tôi hy vọng sự phối hợp giữa hai đơn vị sẽ ngày một phát triển để tạo điều kiện cho nhiều hơn phạm nhân trước khi tái hòa nhập cộng đồng” – Ths. Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Lễ bế giảng.

 

Một số hình ảnh tại Lễ bế giảng:

 

 

 

 

Trung tâm TS&TT