Những thủ khoa HCEET không chọn học đại học

Những thủ khoa HCEET không chọn học đại học

Với số điểm cao, hoàn toàn có thể trúng tuyển đại học nhưng những thí sinh này lại quyết định chọn HCEET vì nhiều lý do, và trở thành thủ khoa đầu vào.

Chọn ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao

Phạm Văn Tuấn đỗ vào ngành Công nghệ thông tin, hiện đang là sinh viên lớp 47CNTT với số điểm 25,5. Tuấn trở thành thủ khoa đầu vào của HCEET. Với số điểm này, Tuấn hoàn toàn có thể đỗ vào các trường Đại học tốp trên, nhưng Tuấn đã chọn HCEET để theo học.

 

Sinh viên Phạm Văn Tuấn lớp 47CNTT đỗ vào ngành Công nghệ thông tin tại HCEET với số điểm 25,5. 

 

Trước khi xét tuyển, cậu học trò đến từ quê hương Ninh Bình cũng đã tìm hiểu rất kỹ trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội thông qua mạng xã hội và tự em quyết định đăng kí vào trường.

Mặc dù người thân của Tuấn rất nhiều người đang theo học các khối ngành kinh tế, ngân hàng nhưng Tuấn vẫn chọn ngành công nghệ thông tin vì được biết ngành công nghệ thông tin đang rất phát triển, nhu cầu nhân lực cao. Tuấn chia sẻ: “Bằng cấp không quan trọng, quan trọng là bản thân có nỗ lực hay không. Em thấy các doanh nghiệp đến trường mình tuyển dụng HSSV của trường rất nhiều. Học Cao đẳng thì thời lượng thực hành cũng nhiều nên em tin là tay nghề sẽ vững. Bố mẹ em rất ủng hộ”.

 

Sinh viên Phạm Văn Tuấn tại một góc trong khuôn viên Thư viện HCEET, đang tự xây dựng cho mình phương pháp học tập phù hợp.

 

Tuấn không nghĩ bằng Đại học có giá trị hơn bằng Cao đẳng, vì thực tế không phải ai học Đại học ra cũng có việc làm tốt, tất cả là do sự nỗ lực và năng lực của bản thân chứ không phải do tấm bằng. Đối với Tuấn, học Cao đẳng hay Đại học không quan trọng, quan trọng là em có được một nghề trong tay và ra trường có được công việc tốt.

 

Phạm Văn Tuấn và các bạn sinh viên lớp 47CNTT rất tự tin với sự lựa chọn của mình.

 

“Đến bây giờ em vẫn tự tin với sự lựa chọn của mình. Em nhận thấy rất phù hợp với Công nghệ thông tin. Tâm thế của em rất thoải mái khi đến trường. Ngôi trường có vị trí đẹp, cơ sở vật chất tốt, thầy cô tâm huyết và rất tốt” – Tuấn tâm sự.

 

Trong đội tuyển học sinh giỏi nhưng vẫn chọn học cao đẳng

Nếu bạn bè, thầy cô biết Đỗ Trường Sơn (Trường THPT Giao Thủy, Nam Định) đạt số điểm 25 mà không xét tuyển Đại học, chắc hẳn sẽ cảm thấy bất ngờ. Tuy nhiên, Sơn lại hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của mình, khi không xét tuyển vào trường Đại học nào, mà chỉ nộp hồ sơ vào ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội và trở thành sinh viên lớp 47KTML3 có điểm đầu vào cao nhất ở phương thức xét điểm thi THPT của trường.

 

Đỗ Trường Sơn chỉ nộp hồ sơ vào ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội với số điểm 25 điểm.

 

Trường Sơn thổ lộ: “Em đã tìm hiểu rất nhiều qua Internet trước khi quyết định chọn học Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội. Những gì em được biết về trường thông qua mạng xã hội thì nay được thực tế trải nghiệm khi theo học. HCEET rất phù hợp với em, bạn bè và thầy cô rất thân thiện, cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ để em được thực hành. Cơ hội việc làm mở rộng và doanh nghiệp hiện nay cũng không còn quan trọng bằng cấp mà chủ yếu đánh giá ứng viên dựa vào năng lực. Bằng cấp chưa đủ để nói lên điều gì, mà thái độ, năng lực, kiến thức của mình về ngành nghề mới có tính quyết định”.

 

Cả 12 năm học, Trường Sơn đều là học sinh giỏi và là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Toán và Địa lý.

 

Được biết, từ Tiểu học đến hết THPT, Sơn đều là Học sinh giỏi và tham gia đội tuyển học sinh giỏi từ khi mới học lớp 3. Sơn chia sẻ: “Ban đầu, các thầy cô dạy em THPT muốn định hướng em vào ngành du lịch vì em có năng khiếu về Toán và Địa. Nhưng em vẫn quyết định theo học ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại HCEET. Đặc biệt, sau đợt Covid kéo dài thì quyết tâm của em lại càng không thay đổi.”

 

 

Đỗ Trường Sơn, sinh viên lớp 47KTML3 trong giờ tự học và thực hành tại HCEET.

 

Phụ huynh ngày càng thực tế, có nhận thức rõ hơn, đúng hơn về GDNN

Ngoài việc HCEET thực hiện khá tốt công tác quảng bá, tư vấn tuyển sinh, chủ động gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo, giải quyết việc làm tốt… thì thành phố Hà Nội cũng thực hiện tuyên truyền trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng có những chương trình truyền thông mạnh mẽ khiến cho xã hội, các bậc phụ huynh và thí sinh có nhiều thông tin về học nghề, cũng như có nhận thức rõ hơn, đúng hơn về vấn đề này, giúp phụ huynh có cái nhìn khác về học nghề.

Bên cạnh đó, những phụ huynh của thế hệ thí sinh vài năm gần đây đều còn trẻ, có nhận thức tốt và ngày càng thực tế, biết năng lực con mình phù hợp với bậc học nào để lựa chọn ngay từ đầu chứ không chạy theo học Đại học bằng mọi giá.

Ngoài ra, một số ngành mà HCEET đang đào tạo lại là điểm nóng nên rất thu hút thí sinh, như: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Tự động hóa, Cơ điện tử, Điện – điện tử, Máy lạnh và điều hòa không khí,… có nhu cầu việc làm rất cao.

Năm nay, ở HCEET, số sinh viên nhập học tăng hẳn so với năm trước, số lượng rút hồ sơ do đỗ Đại học gần như rất ít, điểm đầu vào cao hơn nhiều trường Đại học, ngoài Phạm Văn Tuấn 47CNTT 25,5 điểm, Đỗ Trường Sơn 47KTML3 25 điểm còn có các em như: Nguyễn Đức Thắng 47CĐT 23,6 điểm; Triệu Phúc Vi 23,5 điểm; Nguyễn Văn Thao 22,5 điểm, Hoàng Ngọc Đạt 22,3 điểm đều là sinh viên lớp 47ĐĐT1; Đinh Tuấn Linh 47ĐĐT2 22,1 điểm; Vũ Văn Hoàng 47ĐTCN 22,5 điểm; Nông Văn Thái 47ĐTTT 22,8 điểm; Hồ Văn Tài 47KTML1 22 điểm,…

 

Với nền tảng tốt, khi các thủ khoa đầu vào HCEET chủ động, sáng tạo, xây dựng cho mình phương pháp học tập, nghiên cứu hiệu quả thì sẽ thích nghi tốt với môi trường ở bậc học Cao đẳng. Lấy điểm xuất phát là thủ khoa trong tuyển sinh đầu vào làm động lực để tiếp tục phát huy sự say mê, sáng tạo, vươn lên trong học tập, rèn luyện, làm chủ kiến thức. Sống có trách nhiệm, có hoài bão, sớm trở thành những tri thức trẻ có đủ đức, đủ tài.

 

Minh Nguyệt