Ý nghĩa lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Ý nghĩa lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Ngày 10 tháng 10 hàng năm, trên khắp các đường phố rực rỡ cờ hoa hướng về một sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa – Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ngày này không chỉ đánh dấu sự kiện Hà Nội được giải phóng khỏi quân đội Pháp vào năm 1954 mà còn là biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí tự do và khát vọng độc lập của cả dân tộc Việt Nam. 

Bối cảnh lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô

Vào năm 1954, ngay sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết và lệnh đình chiến ở Đông Dương có hiệu lực. Nhờ quá trình đấu tranh sôi nổi, vào ngày 30/09/1954 và ngày 02/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương, Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập và chính thức tiếp quản thành phố Hà Nội theo nghị quyết ngày 17/09/1954.

Lính Pháp rút khỏi Hà Nội.

Tuy nhiên, các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội vẫn phải hết sức cảnh giác với các âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Vào sáng ngày 08/10/1954 các đơn vị quân đội ta chia nhiều đường bắt đầu tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sau đó đến ngày hôm sau, quân ta đã tiến vào nội thành Hà Nội và tỏa đi khắp nơi.

Quân ta tiến vào Thủ Đô 
Lần lượt quân ta tiếp quản được nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Sau khi quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội. Trong không khí hân hoan chào mừng giải phóng, cờ đỏ sao vàng treo khắp nơi cùng niềm vui tột cùng của quân và dân ta sau nhiều năm đấu tranh giành lại thủ đô.
Sáng ngày 10-10-1954, đoàn xe đầu tiên diễu hành do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu cùng nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, hoa, ảnh Bác Hồ, xếp thành đội ngũ trật tự kéo theo đoàn xe.

 Chiến sĩ Cụ Hồ trên đường phố Hà Nội.
Sau đó, bộ đội ta diễu binh qua a các phố Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… và tiến vào Cửa Đông Thành phố Hà Nội. Đoàn diễu hành tiếp tục đi qua Bạch Mai, phố Huế, Hồ Gươm, Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân và tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
Cùng với những tiếng reo hò và niềm vui khôn xiết của nhân dân thủ đô, vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954, hàng trăm nghìn người dân dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Ý nghĩa lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô

Quân và dân ta hân hoan ngày Giải phóng Thủ đô.

70 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, kỷ niệm về sự kiện này vẫn còn đọng lại trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Ngày này không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, mà còn là một dấu ấn xúc động, một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước. Đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, ngày này mở ra một thời kỳ phát triển mới, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình, hướng tới xây dựng một xã hội mới – xã hội chủ nghĩa.

Từ một thành phố đã chịu nhiều tổn thương từ chiến tranh, Hà Nội ngày nay phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về kinh tế, văn hóa, giáo dục và nhiều mặt. Chính quyền và người dân Hà Nội không ngừng nỗ lực xây dựng Thủ đô hoà bình, “ngàn năm văn hiến”.

Sự kiện giải phóng Thủ đô không chỉ mở ra một trang mới đầy tươi sáng cho Thủ đô Hà Nội mà còn mang lại nhiều bài học quý giá. Bài học đầu tiên là việc xác định rõ vai trò của Thủ đô trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và mối quan hệ giữa Thủ đô và cả nước. Hà Nội, với vai trò là “trái tim” của đất nước đã phát huy khả năng và tinh thần tự lực tự cường, luôn phối hợp chặt chẽ với chiến trường cả nước, thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Nguồn: Tổng hợp